Friday, July 16, 2010

Mỹ-Việt Hợp Tác Về Da Cam, CSVN Ra Báo Nhân Quyền

Mỹ-Việt Hợp Tác Về Da Cam, CSVN Ra Báo Nhân Quyền

HANOI/WASHINGTON -- Trong khi một tiểu ban Hạ Viện Hoa Kỳ nghe điều trần về độc chất da cam tại VN, theo tin từ trang web state.gov của Bộ Ngoại Giao Mỹ, thì chính phủ Hà Nội loan báo sẽ xuất bản tạp chí nhân quyền đầu tiên, theo tin từ đài VOA.
Bản tin từ Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm 15-7-2010 cho biết quyền phó phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Matthew Palmer đã điều trần trước Tiểu Ban về Châu Á, Thái Bình Dương và Tiểu Ban Môi Trường Thế Giới tại Hạ Viện Mỹ, trong đó ông trình baỳ về nỗ lực từ năm 2001, hai chính phủ Mỹ-Việt đã hợp tác giaỉ quyết vấn đề sức khỏe và môi trường liên hệ tới độc chất dioxin và Chất Da Cam.
Trong khi đó, đaì VOA loan theo tin của Bernama và CNSNews, nói rằng “Tạp chí Nhân quyền Việt Nam, ra mắt số đầu tiên hôm thứ tư, có mục đích tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam cùng với chính sách pháp luật của nhà nước về lãnh vực quyền con người và phản ánh những thành tựu về quyền con người của Việt Nam.”
Đaà VOA dẫn tin Bernama trích “lời Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, người đứng đầu Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của chính phủ, nói rằng tạp chí này còn có nhiệm vụ cung cấp thông tin về điều mà ông gọi là “những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền” để “chống phá sự nghiệp xây dựng và phát triển” của Việt Nam. Ông Khiêm cho biết Tạp chí Nhân quyền Việt Nam sẽ “đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái thù địch.” Ông nói thêm rằng Đảng và Nhà nước ở Việt Nam luôn luôn xem nhân quyền là một yếu tố then chốt trong công cuộc phát triển lâu bền của đất nước.”
Trong khi đó, theo tin của CNSNews, tuy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã cải thiện rất nhiều trong 15 năm qua, “thành tích nhân quyền của Việt Nam tiếp tục là một mối lo ngại đối với nhiều người trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo, cùng với một số thành viên quốc hội Hoa Kỳ.”
Bản tin còn cho biết, các tổ chức tranh đấu nhân quyền và những nhà lập pháp Mỹ ủng hộ họ thường xuyên nêu lên những vụ bắt bớ các nhân vật tranh đấu dân chủ cùng với những sự hạn chế về tự do tôn giáo và tự do internet ở Việt Nam để hối thúc chính phủ ở Washington nâng cao vị trí của vấn đề nhân quyền trong nghị trình của các hoạt động ngoại giao song phương.
Trong lúc ngoại trưởng Hillary Clinton chuẩn bị đến thăm Việt Nam vào tuần sau, một lá thư đang được luân lưu tại trụ sở quốc hội Mỹ để thu thập chữ ký nhằm hối thúc bà Clinton hãy nhân dịp này để nêu lên với giới hữu trách Hà Nội về vấn đề tù nhân chính trị và đặt vấn đề nhân quyền làm trọng tâm của mối quan hệ với Việt Nam. Lá thư này nêu lên những trường hợp cụ thể của các tù nhân chính trị ở Việt Nam, trong đó có nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, là người đã bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái, bị đánh đập trong lúc cảnh sát chỉ đứng nhìn mà không can thiệp, rồi sau đó chính bà lại bị truy tố về tội đả thương và bị tuyên án 3 năm rưỡi tù hồi tháng hai vừa qua. Lá thư này cũng nêu lên mối quan tâm về điều được mô tả là “một vụ tấn công tinh vi và dai dẳng” nhắm vào những người bày tỏ ý kiến bất đồng trên mạng internet.
Đài VOA còn thêm, “Theo ghi nhận của các hãng thông tấn quốc tế, chính phủ Việt Nam thường xuyên sử dụng những luật lệ mơ hồ về an ninh quốc gia để bóp nghẹt những tiếng nói đối lập và trong năm vừa qua có gần 20 nhân vật tranh đấu cho dân chủ Việt Nam đã bị cầm tù.”
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=161760

Tuesday, April 6, 2010

Phái Đoàn CSVN Vào, 1/2 Thượng Viện Ra

Phái Đoàn CSVN Vào, 1/2 Thượng Viện Ra; TNS Lou Correa Diễn Văn Tố Nhân Quyền Tệ Hại ở VN, Mời Đồng Viện Bước Ra Tẩy Chay

SACRAMENTO -- Hàng chục Thượng Nghị Sĩ đã bước ra khỏi trụ sở Thượng Viện California sáng Thứ Hai 5-4-2010 để phản đối tình hình nhân quyền tại VN, khi phaí đoàn chính phủ CSVN tới thăm cơ quan này.
Vào buổi chiều Thứ Hai, có ít nhất hai nhật báo Mỹ đã loan tin này -- trong đó có báo O.C. Register, Sacramento Bee.
Một bản tin từ văn phòng Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã cho biết một số chi tiết như sau.
Vào Thứ Hai, ngày 5 tháng 4, trong buổi họp bình thường của Cơ Quan Lập Pháp Tiểu Bang California, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã tạo một hành động khiến cho hơn một nửa các thành viên của Nhà Thượng Viện Tiểu Bang bỏ ra khỏi phòng họp để chống một phái đoàn Cộng Sản Việt Nam có mặt tại Thủ Phủ Sacramento. Trong phần nghi thức đầu buổi họp, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa chính thức lên tiếng chống sự hiện diện và giới thiệu của phái đoàn Judiciary Committee of the National Assembly of Vietnam (Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam).
Trong lúc phái đoàn Ủy Ban Tư Pháp của Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam gồm khoảng 8 người đợi được giới thiệu, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa phát biểu:
“Tôi xin có một số đề nghị cho Ủy Ban Tư Pháp, trong lúc quý vị có đây. Tôi đề nghị quý vị nên coi xem chúng tại ở California tôn trọng những vấn đề như sau: tự do căn bản của con người, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo, và các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo.
Tôi đại diện trung tâm Quận Cam, và vùng Little Sài Gòn, nơi mà có đông người Việt Nam sinh sống nhất ngoài nước Việt Nam. Tôi đã chính tai nghe nhiều câu chuyện từ cử tri của tôi, về những trường hợp bị ở tù cải tạo mấy chục năm. Nhiều người bị đi tù cải tạo, không chỉ là những người quân nhân mà còn những nhà thơ, nhà báo, ký giả, nhà trí thức, và các vị lãnh đạo tinh thần.
Quý vị có thể nói rằng chuyện đó là qúa khứ, và hiện tại là khác. Nhưng, những quan tâm về sự thiếu nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn và được sự chú ý và quan tâm của mọi chính giới.
Vào năm 2009, sự duyệt xét tình trạng nhân quyền tại Việt Nam do Hội Đồng Nhân Quyền của Hợp Chủng Quốc thực hiện, đã cho biết Việt Nam không chấp nhận những đề nghị căn bản như chấm dứt đàn áp nhân quyền và quyền tự do.
Để ghi nhớ sự hy sinh của hơn 58,000 chiến sĩ Hoa Kỳ vì lý tưởng tự do, và hơn một triệu người Việt Nam cũng hy sinh trong cuộc chiến cho tự do, tôi sẽ không tham gia vào nghi thức đón chào này và tôi sẽ rời khỏi phòng họp này.”
Sau khi phát biểu, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa đã bỏ ra khỏi phòng họp. Lần lượt hơn 20 thượng nghị sĩ đồng viện cũng đứng lên rời ra khỏi phòng họp để chống sự hiện diện và giới thiệu của phái đoàn Cộng Sản Việt Nam. Trong lúc một thượng nghị sĩ, bà Ellen Corbett, đọc bản văn giới thiệu phái đoàn, đã có thêm một số thượng nghị sĩ cũng tiếp tục ra khỏi phòng họp.
Đây là lần đầu tiên nhiều thượng nghị sĩ đã bỏ phòng họp để phản đối một phái đoàn ngoại quốc đến thăm viếng Cơ Quan Lập Pháp Tiểu Bang.
Trong tuần vừa qua, Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang California Lou Correa đã viết thư ngỏ gởi Thượng Nghị Sĩ Darrell Steinberg phản đối dự định của Ủy Ban Ðịnh Chế (Senate Rules Committee), tiếp chính thức một phái đoàn của chính phủ Việt Nam. Trong thư ngỏ, ông nói rằng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vẫn tồi tệ, và nhiều nhân vật tranh đấu cho tự do tại Việt Nam bị cầm tù. Muốn biết về quá trình lập pháp và luật lệ Hoa Kỳ, thì phải tôn trọng những nhân quyền căn bản nhất như tự do báo chí, tự do ngôn luận, và tự do hội họp.

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=116&nid=157625

Saturday, March 13, 2010

Mỹ Tố VC Tệ Hại Nhân Quyền, RSF Tố VC Là Kẻ Thù Internet

Mỹ Tố VC Tệ Hại Nhân Quyền, RSF Tố VC Là Kẻ Thù Internet

WASHINGTON -- Chính phủ CSVN lại bị quốc tế lên ánh về các hành vi vi phạm nhân quyền và “kẻ thù Internet,” theo các thông tin trên Đài RFI. Tuy nhiên, chưa thấy thông tin nào nói rằng Hoa Kỳ muốn đưa CSVN vào sổ trừng phạt CPC.
Bản tin đài này hôm Thứ Sáu cho biết, trong danh sách các nước được xem là « kẻ thù của Internet » được công bố hôm Thứ Năm, Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF liệt kê Việt Nam bên cạnh những nước châu Á như Trung Quốc, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Iran.
Đài RFI thêm rằng, từ khi có phong trào viết blog, gần 120 người đã vào tù chỉ vì họ sử dụng quyền công dân của mình trên mạng. Ba nước giam cầm người viết blog nhiều nhất thế giới là Trung Quốc, Việt Nam và thứ ba là Iran.
Theo nhận định của Phóng Viên Không Biên Giới, biện pháp tăng cường kiểm duyệt internet của những nước bị xem là kẻ thù của tự do thông tin đang gặp phải khả năng huy động và sáng tạo mỗi ngày mỗi lớn của giới sử dụng internet.
Bản tin khác của RFI cũng hôm Thứ Sáu đã ghi nhận về tình hình “Bộ Ngoại giao Mỹ tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến.”
Bản tin kể rằng trong bản báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền trên thế giới, do Ngoại trưởng Hillary Clinton giới thiệu bố hôm Thứ Năm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích việc chính quyền Việt Nam tăng cường chiến dịch trấn áp các nhà ly khai từ một năm qua.
Bản báo cáo đã nhắc lại ghi nhận của nhiều quan chức Hoa Kỳ trong thời gian gần đây, theo đó tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vẫn ''còn là một vấn đề''. Theo Washington, chính quyền Hà Nội vừa đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền, vừa tìm cách bóp nghẹt những lời chỉ trích lưu hành trên các trang blog ngày càng phát triển ở Việt Nam.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tính tới cuối năm 2009, đã có ít nhất 60 tù chính trị vẫn còn bị giam giữ tại Việt Nam, trong đó có các luật sư, những người đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ, cũng như một số người viết blog. Báo cáo cũng công nhận rằng một số nhà quan sát đã nêu lên con số hàng trăm người bị bắt giam vì chính kiến.
Đài RFI ghi nhận tiếp, rằng trong lãnh vực ''tích cực'', bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận là chính quyền Việt Nam đã giảm nhẹ cấm đoán trong lãnh vực tín ngưỡng, cũng như đã cố gắng tìm cách hoà giải với Toà Thánh Vatican.
Cho dù vậy, đối với Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Việt Nam vẫn hạn chế quyền tự do của các giáo hội Phật giáo và Thiên chúa giáo bị cấm hoạt động. Bản báo cáo nêu bật sự kiện các nhóm côn đồ tấn công các tu sinh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, được Bộ Ngoại giao cho là một trong những tu sĩ Phật Giáo uy tín nhất thế giới hiện nay. Điều đáng nói, theo bản báo cáo, là các vụ tấn công này diễn ra dưới sự chứng kiến thờ ơ của công an, mặc sắc phục cũng như thường phục.
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=116&nid=156642

Thursday, February 25, 2010

Quốc Tế Kêu Gọi Nhà Nước VN Dẹp Bỏ Án Tử Hình

Quốc Tế Kêu Gọi Nhà Nước VN Dẹp Bỏ Án Tử Hình

Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền kêu gọi VN ngưng án tử hình, theo tin của Đài VOA hôm Thứ Tư.
Bản tin cho biết rằng Đại hội Thế giới Chống án tử hình lần thứ tư được tổ chức tại Geneva, khai mạc hôm 24-2-2010 đã quy tụ sự tham dự của 1700 thành viên từ hơn 100 quốc gia, trong đó Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (FIDH) có trụ sở tại Pháp vừa đưa ra lời kêu gọi, 'Việt Nam phải lập tức thực thi việc đình chỉ án tử hình và sử dụng án này đối với các tội phạm về an ninh quốc gia được định nghĩa mơ hồ.'
Bản tin VOA ghi rằng Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền và Ủy ban về Nhân quyền Việt Nam nhấn mạnh họ hết sức quan ngại về việc Hà Nội sử dụng án tử hình để chế tài các tội phạm “an ninh quốc gia” không được luật pháp định nghĩa rõ ràng.
Bản tin VOA viết thêm:
“Tin AFP hôm thứ tư trích dẫn báo cáo của Liên đoàn nói rằng với điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam, những người bất đồng chính kiến có thể bị phạt tử hình chỉ vì có ý chỉ trích nhà nước hoặc thành lập các phong trào đối lập với chính phủ, và rằng Liên hiệp quốc thường xuyên bày tỏ quan ngại trước thực tế những người chỉ trích chính phủ ở Việt Nam có thể lãnh án tử hình đơn giản chỉ vì họ thực thi quyền tự do bày tỏ quan điểm một cách ôn hoà.
Phúc trình của Liên đoàn FIDH bao gồm 155 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới được công bố trên trang web của Liên đoàn khẳng định án tử hình đặc biệt nguy hiểm tại một quốc gia độc đảng như Việt Nam, nơi mà bộ máy tư pháp hoàn toàn là một công cụ của đảng Cộng sản.
Nhà nứơc Việt Nam không công bố thống kê về số án tử hình, nhưng năm nay đã có 25 người bị kêu án này. Báo chí trong nứơc cho hay năm ngoái, có ít nhất 83 án tử hình và 9 cuộc hành quyết. Đa số án tử hình được tuyên đối với các tội phạm về mua bán ma tuý và giết người.”
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=156094

Tuesday, May 26, 2009

Db Pelosi: Thăm Trung Quốc Không Nói Gì Tới Nhân Quyền

Db Pelosi: Thăm Trung Quốc Không Nói Gì Tới Nhân Quyền Việt Báo Thứ Ba, 5/26/2009, 12:00:00 AM

db pelosi: thăm trung quốc không nói gì tới nhân quyền

SHANGHAI - Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, dân biểu Nancy Pelosi, là người từ lâu đả kích thành tích nhân quyền của chính phủ Trung Quốc, đi thăm thủ phủ tài chính của lục địa trong ngày Thứ Hai, nhưng không nhắc tới vấn đề dân quyền, tuy sự xuất hiện của bà gây vững lòng những người biểu tình.
Sự yên lặng của bà Pelosi, ít nhất trong chốn công cộng, được để ý vì bà đến đây chỉ 1 tuần trước kỉ niệm lần thứ 20 cuộc đàn áp Thiên An Môn.
Trong chuyến đi Bắc Kinh năm 1991, bà trương biểu ngữ mang dòng chữ "Vì những người chết vì dân chủ" tại Thiên An Môn. Sự chuyển hướng của dân biểu Pelosi là phù hợp với chủ trương hợp tác thay vì đối đầu Bắc Kinh.
Phóng viên báo cáo trên 500 người biểu tình hồi sáng Thứ Hai gần Ga Nam tại thủ đô để bày tỏ lòng thưong tiếc số sinh viên tranh đấu bị hại. Hàng chục công an canh chừng, và đa số người biểu tình bị hàng rào cảnh sát ngăn lại.
Trong khi nhiều tố cáo nêu ra các trường hợp cá nhân bị hiếp đáp, trang mạng Boxun.com trụ sở Hoa Kỳ dùng Hoa-ngữ và bị cấm tại Hoa Lục phóng hình 1 nhóm người biểu tình căng khẩu hiệu "Chào mừng bà Pelosi - xin bà hãy lưu ý đến vấn đề nhân quyền".
Tại Shanghai, chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ đã hội đàm với thị trưởng Han Zheng. Khi cùng xuất hiện trước phóng viên, 2 vị không tuyên bố điều gì thực chất. Sau đó, cùng ngày Thứ Hai tại Bắc Kinh, phái đoàn Pelosi còn gặp chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các viên chức.
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=3&nid=144988

Saturday, April 25, 2009

Việt Nam công bố báo cáo Nhân quyền

Việt Nam công bố báo cáo Nhân quyền
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2009-04-24

Việt Nam hôm qua đã cho công bố báo cáo về nhân quyền trên trang web chính thức của Bộ Ngoại Giao Việt Nam.

PHOTO: RFA

Báo cáo Nhân quyền trên trang web của Bộ ngoại giao Việt Nam.

Báo cáo của VN

Văn bản này gồm 22 trang giấy, giới thiệu những cơ bản về vấn đề nhân quyền ở cấp quốc gia, trong đó đề cao nhân tố con người đặt vào vị trí trung tâm của chính sách phát triển đất nước và khẳng định rằng việc thực hiện các quyền con người không thể tách rời với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

Bản báo cáo này cũng sẽ được đại diện Việt Nam trình bày tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneve (Thụy Sĩ) vào ngày 8 tháng 5 tới.

Nhân tố con người được đặt vào vị trí trung tâm của chính sách phát triển đất nước, và việc thực hiện các quyền con người không thể tách rời với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

trích báo cáo Nhân quyền của VN

Văn bản công bố ngày hôm qua gồm những thông tin về việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời chú trọng đến các thành phần dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, dân tộc thiểu số.

Theo Hà Nội, từ năm 1986 đến nay Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13 ngàn văn bản luật trong đó có các quyền căn bản của công dân được quy định cụ thể và tòan diện hơn.

Báo cáo cũng cho hay cả nước hiện có 700 cơ quan báo chí, 68 đài phát thanh, truyền hình, 80 báo điện tử, 55 nhà xuất bản với 15 ngàn nhà báo.

Mặt khác Việt Nam có 12 tôn giáo và trong các ngày lễ lớn có hàng trăm ngàn tín đồ tham gia vào các sinh hoạt tín ngưỡng được tổ chức trọng thể.

Báo cáo có đoạn ghi rõ: “Hiến pháp 1992, văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất, đảm bảo mọi công dân có quyền bình đẳng về chính trị, văn hóa, xã hội, quyền tham gia quản lý công việc nhà nước, quyền tự do tôn giáo, tự do đi lại, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe, không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo.”
Thực trạng Nhân quyền

Qua câu chuyện với Đài Á Châu Tự Do, Hòa Thượng Thích Không Tánh, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện,-Xã Hội, GHPGVNTN, tại chùa Liên Trì (Sài Gòn), phân tích về những gì đang thật sự diễn ra tại Việt Nam:

Khi sống trong đất nước Việt Nam phải ở trong chăn thì mới biết nó như thế nào, còn không thì đừng có nên tin và không nghe những gì do xã hội chủ nghĩa họ nói.

TT Thích Không Tánh

“Hàng trăm, hàng ngàn tờ báo đó thì cũng do đảng - nhà nước quản lý hết. Việt Nam không có vấn đề tự do thông tin, tự do báo chí đâu. Văn bản ban hành cho các tôn giáo thì xin thưa là "nói vậy thôi" chớ sự thực ra thì có thể đa phần khi sống trong đất nước Việt Nam phải ở trong chăn thì mới biết nó như thế nào, còn không thì đừng có nên tin và không nghe những gì do xã hội chủ nghĩa họ nói.

Về tôn giáo về nhân quyền thì người dân vẫn bị tù đày, đạo giáo vẫn bị sách nhiễu, vẫn bị đàn áp. Riêng về phần Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt thì mấy chục năm qua đã bị đàn áp và đến giờ này không biết có thể tồn tại được bao nhiêu ngày nữa.

Cả thế giới cũng đều biết chuyện đó. Chỉ là con số không mà thôi. Cách đây có mấy ngày dân oan họ bị công an rượt đuổi chạy vào chùa Liên Trì và họ nhờ chùa Liên Trì giúp đỡ. Khi họ đương ngủ trong chùa thì nửa đêm công an tấn công vào để đàn áp bắt bớ họ. Cho nên đời sống dân sự xã hội hoàn toàn không được bảo vệ gì hết."

Từ Hà Nội, bà Lý Thị Tuyết Mai, vợ thầy giáo Vũ Hùng, một nhân vật bất đồng chính kiến, vận động ôn hòa cho dân chủ, đã bị bắt bớ giam cầm mà không được xét xử. Bà Mai hy vọng chồng bà sớm được về sum họp với gia đình:

"Em cũng rất là mong muốn nhà nước nên thực hiện đúng những gì mà nhà nước đã nói ra là bảo vệ quyền con người. Nhưng mà thực ra hiện giờ anh ấy chỉ vì lý do như vậy mà vẫn chưa được trả tự do, thì em nghĩ là chưa thật sự như mong muốn của người dân lắm.

Anh ấy suy nghĩ và làm việc chính là vì lợi ích chung mà thôi và anh rất là thẳng thắn. Anh ấy nghĩ đấy cũng là nguyện vọng chính đáng của bản thân anh ấy và cũng của nhiều người nữa. Nói chung là các anh dũng cảm nói ra sự thật.

Vợ con rất là mong muốn được gặp mặt chồng và cha mình. Cháu bé rât nhớ bố và lúc nào cũng hỏi không biết tại sao bố lại bị công an bắt, tại sao thế bố làm việc gì. Nó hỏi nhiều và em cũng nói bố không có tội.

Bây giờ hiện tại cũng chẳng biết anh ấy bị tội gì nên cũng không dám nói cho con, chỉ nói quanh co thôi vì nghĩ bây giờ mình nói ra có tội chẳng hạn thì mình cũng có lỗi với con mình."

Quyền con người ở Việt Nam đã bị chính Đảng CSVN mà đứng đầu là 15 uỷ viên Bộ Chính Trị đã cướp triệt để quyền con người của dân tộc Việt Nam, chớ làm gì có nhân quyền, làm gì có dân chủ, làm gì có tự do.

Cựu trung tá Trần Anh Kim

Cựu trung tá Trần Anh Kim, một cựu chiến binh từng lập nhiều thành tích ngoài chiến trận ở 2 miền Nam, Bắc, vào bộ đội từ 17 tuổi với cấp binh nhì, 12 năm trấn ngoài biên ải phía Bắc, nay thì ông bị tước bỏ mọi quyền lợi vì đã mạnh dạn đặt vấn đề tự do, dân chủ, tòan vẹn lãnh thổ qua báo đài nước ngoài. Ông nhấn mạnh vơi Ban Việt Ngữ chúng tôi:

"Tôi đã khẳng định rằng quyền con người ở Việt Nam đã bị chính Đảng Cộng Sản Việt Nam và đứng đầu là 15 uỷ viên Bộ Chính Trị đã cướp triệt để quyền con người của dân tộc Việt Nam, chớ làm gì có nhân quyền, làm gì có dân chủ, làm gì có tự do.

Quy định của họ là đảng viên cấp uỷ viên không được tự nhận đề cử, không được ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của nhà nước, vào các tổ chức chính trị-xã hội, khi chưa được được cấp thẩm quyền của đảng giới thiệu.

Như vậy là họ tước hết quyền làm người của nhân dân Việt Nam thì làm gì nhân dân Việt Nam có quyền con người nữa.

Tất cả các tổ chức, từ tổ chức nhỏ nhất là tổ dân phố cho đến xóm trưởng và thậm chí bây giờ người ta còn len lỏi sâu đến vùng sâu vùng xa nữa, người ta đều cài cắm đảng viên vào đấy để người ta đưa lên làm lãnh đạo, người ta thực hiện đúng phương châm "đảng cử dân bầu" chứ dân Việt Nam làm gì có tự do mà người ta bảo có tự do.

Tôi đã bảo là tại Việt nam có nhiều luật thất đấy, không ai phủ nhận cả, nhưng mà tất cả các luật đấy người ta có sử dụng đâu. Người ta sử dụng luật rừng. Cho nên vừa rồi tôi có một bài viết và tôi nói là xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay là xã hội đen, và bây giờ có cái nguy hiểm nhất là người ta cai trị dân bằng xã hội đen, bằng nghị quyết, bằng chỉ thị của đảng.

Và tôi rất thấm thía câu nói của bà luật sư Ngô Bá Thành khi bả nói rằng Việt Nam có một rừng luật nhưng mà thực tế xử sự với dân là luật rừng."

Theo Bạn, Nhân quyền tại Việt Nam đã thật sự được tôn trọng chưa? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn email: vietweb@rfa.org; hoặc cùng tham gia thảo luận tại
Trang blog Ban Việt ngữ RFA

Cơ quan truyền thông nhà nước cũng cho hay tại Việt Nam có 20 triệu công dân theo các tôn giáo khác nhau, 80% người dân có đời sống tín ngưỡng, là nhu cầu chính đáng của mọi người.
Trong khi đó, vẫn theo báo chí trong nước, làng báo đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân và là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích chung, giúp đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sự thực thi chính sách và pháp luật nhà nước, đặc biệt về quyền con người.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VN-releases-its-report-on-HumanRights-DHieu-04242009103821.html

Sunday, March 1, 2009

Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn bị Hoa Kỳ chỉ trích nhân quyền

Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn bị Hoa Kỳ chỉ trích nhân quyền

DCVOnline – Tin ngắn (Reuters)


Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn bị Hoa Kỳ chỉ trích nhân quyền


Bản báo cáo hằng năm về nhân quyền trên toàn thế giới trong năm 2008 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh sự tiếp tục đàn áp nhân quyền ở các nước cộng sản Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam và cũng như nhà nước quân phiệt ở Miến Điện (Myanmar). Tóm tắt đoạn báo cáo về Việt Nam như sau:

"Công dân Việt Nam đối diện với nhiều hạn chế có ý nghĩa, bao gồm sự đàn áp người đối lập, bắt giam tùy tiện những người có những hoạt động chính trị, từ chối tòa án xử công bằng và lạm dụng bừa bãi chuyện bắt giam người trái phép. Hạn chế tự do của người dân bao gồm trấn áp tự do báo chí, tự do hội họp, tự do đi lại và tự do lập hội. Quyền lợi của người lao động bị hạn chế và những người hoạt động bảo vệ quyền lợi cho người lao động bị bắt giam hay bị làm phiền nhiễu."

Và hôm nay thứ Sáu ngày 27 tháng Hai năm 2009, nhà nước Việt Nam lên tiếng phản đối "sự cáo buộc qua bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ." Phát ngôn viên Bộ Ngoại CHXHCNVN ông Lê Dũng nói: "Chúng tôi phủ nhận những phê bình có thành kiến dựa trên những thông tin sai lạc về Việt Nam trong bản báo cáo năm 2008 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ."

Ông Dũng nói nhà nước Việt Nam tôn trọng tự do và nhân quyền nhưng "cũng đấu tranh chống sự sử dụng bừa bãi những quyền này để làm ảnh hưởng những lợi ích của nhà nước và quyền cũng như lợi ích hợp pháp của cá nhân và đoàn thể."

Được biết, tuy bản báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có những chỉ trích về sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như bỏ tù những người hoạt động chính trị độc lập, hạn chế tự do bày tỏ quan điểm của bloggers trên mạng internet, sa thải và bỏ tù những nhà báo phơi bày chuyện tham nhũng của nhân viên nhà nước; bản báo cáo này cũng khen ngợi Việt Nam đã có những tiến bộ trong những lãnh vực khác, đặc biệt là tự do tôn giáo.
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6069