Sunday, March 1, 2009

Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn bị Hoa Kỳ chỉ trích nhân quyền

Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn bị Hoa Kỳ chỉ trích nhân quyền

DCVOnline – Tin ngắn (Reuters)


Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn bị Hoa Kỳ chỉ trích nhân quyền


Bản báo cáo hằng năm về nhân quyền trên toàn thế giới trong năm 2008 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhấn mạnh sự tiếp tục đàn áp nhân quyền ở các nước cộng sản Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam và cũng như nhà nước quân phiệt ở Miến Điện (Myanmar). Tóm tắt đoạn báo cáo về Việt Nam như sau:

"Công dân Việt Nam đối diện với nhiều hạn chế có ý nghĩa, bao gồm sự đàn áp người đối lập, bắt giam tùy tiện những người có những hoạt động chính trị, từ chối tòa án xử công bằng và lạm dụng bừa bãi chuyện bắt giam người trái phép. Hạn chế tự do của người dân bao gồm trấn áp tự do báo chí, tự do hội họp, tự do đi lại và tự do lập hội. Quyền lợi của người lao động bị hạn chế và những người hoạt động bảo vệ quyền lợi cho người lao động bị bắt giam hay bị làm phiền nhiễu."

Và hôm nay thứ Sáu ngày 27 tháng Hai năm 2009, nhà nước Việt Nam lên tiếng phản đối "sự cáo buộc qua bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ." Phát ngôn viên Bộ Ngoại CHXHCNVN ông Lê Dũng nói: "Chúng tôi phủ nhận những phê bình có thành kiến dựa trên những thông tin sai lạc về Việt Nam trong bản báo cáo năm 2008 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ."

Ông Dũng nói nhà nước Việt Nam tôn trọng tự do và nhân quyền nhưng "cũng đấu tranh chống sự sử dụng bừa bãi những quyền này để làm ảnh hưởng những lợi ích của nhà nước và quyền cũng như lợi ích hợp pháp của cá nhân và đoàn thể."

Được biết, tuy bản báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có những chỉ trích về sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như bỏ tù những người hoạt động chính trị độc lập, hạn chế tự do bày tỏ quan điểm của bloggers trên mạng internet, sa thải và bỏ tù những nhà báo phơi bày chuyện tham nhũng của nhân viên nhà nước; bản báo cáo này cũng khen ngợi Việt Nam đã có những tiến bộ trong những lãnh vực khác, đặc biệt là tự do tôn giáo.
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6069

Thái Lan: đấu tranh dân chủ bị cấm dự họp ASEAN

Thái Lan: đấu tranh dân chủ bị cấm dự họp ASEAN
Saturday, February 28, 2009
medium_TG-090228-ASEAN.jpg

Hình bên: Các lãnh đạo đang nắm tay trong vòng thân ái trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN khai mạc ngày Thứ Bảy tại Cha-Am, miền Nam Thái Lan. Từ trái qua phải là Thủ Tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ Tướng Mã Lai Á Audullah Ahmad Badawi, Tổng Thống Phi Luật Tân Macapagal Arroyo, Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long, và Thủ Tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva. (Hình: Apichart Weerawong/AP)

CHA-AM, Thái Lan (AP) - Các nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng từ Miến Ðiện và Cam Bốt hôm Thứ Bảy ngày 28 Tháng Hai đã bị cấm không được tham dự một cuộc họp với các nhà lãnh đạo tổ chức Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations - ASEAN), gây rắc rối ngay từ ngày đầu của một cuộc họp thượng đỉnh được gọi là bước tiến lịch sử nhằm cải thiện nhân quyền trong vùng.

Hai nhà tranh đấu đã bị cấm vào tham dự một cuộc họp về nhân quyền, sau khi các giới chức lãnh đạo Miến Ðiện và Cam Bốt đe dọa sẽ rời khỏi phòng họp nếu hai người này được cho vào. Các nhà tranh đấu nói trên đã được lựa chọn bởi một diễn đàn nhân quyền trong khu vực nhằm đại diện cho quốc gia của họ, cùng với các nhà tranh đấu từ tám quốc gia khác.

Hai giờ sau đó, thủ tướng Thái Lan, ông Abhisit Vejjajiva, chính thức khai mạc cuộc họp thượng đỉnh thường niên của ASEAN với bài diễn văn có nội dung nhấn mạnh rằng “ASEAN sẽ đưa con người lên trên hết - trong viễn kiến, trong chính sách và trong chương trình hành động.”

Phụ tá thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Scot Marciel, gọi sự kiện xảy ra là “điều đáng tiếc,” và các nhà tranh đấu nhân quyền nói rằng điều này một lần nữa chứng tỏ Miến Ðiện sẽ tiếp tục gây khó khăn cho ASEAN nếu vẫn còn là một thành viên.

Cuộc họp đã diễn ra mà không có sự tham dự của hai đại diện, Khin Ohnmar, một nhà tranh đấu Miến Ðiện từng được trao giải nhân quyền Anna Lindh của Thụy Ðiển hồi năm ngoái, và Pen Somony thuộc tổ chức Cambodia Volunteers for Civil Society.

Khi các ký giả bao quanh hai nhà tranh đấu bị trục xuất này, ban tổ chức đã vặn nhạc thật lớn để đẩy nhóm này ra ngoài, sau đó tăng cường an ninh, nói với các nhà tranh đấu là họ phải có giấy phép mới được tổ chức họp báo.

Khối ASEAN hiện có 10 quốc gia thành viên là Brunei, Cam Bốt, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Ðiện, Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. (V.Giang)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91475&z=5