Tuesday, February 19, 2008

Phỏng vấn Tiến Sĩ Sophie Richardson về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam năm 2007

Phỏng vấn Tiến Sĩ Sophie Richardson về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam năm 2007
2008.02.15

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

* Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này
* Tải xuống để nghe

Tiến Sĩ Sophie Richardson. Hình do bà cung cấp

Đúng vào những ngày cuối năm Ðinh Hợi, tổ chức tranh đấu và bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch cho phổ biến bản phúc trình về tình trạng nhân quyền thế giới 2007, trong đó có phần nói về Việt Nam.

Nhân dịp này, Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson, Giám Ðốc Ðặc Trách Cổ Võ Nhân Quyền Châu Á của Human Rights Watch đã nhận lời dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn nói về nhân quyền ở Việt Nam. Tiến Sĩ Richardson là một chuyên gia về Châu Á, tác giả nhiều quyển sách nói về những thay đổi chính trị, kinh tế, xã hội và quyền làm người ở Trung Quốc, Hồng Kông, Philippines và Cambodia.

Bà cũng là tác giả những bài bình luận thường xuyên được đăng tải trên các nhật báo lớn ở Hoa Kỳ và Á Châu, như The Nation xuất bản ở Bangkok, Phnom Penh Post ở Cambodia, The Wall Street Journal và The New York Times xuất bản ở Mỹ.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn được Nguyễn Khanh thực hiện, và Ban Việt Ngữ chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Nguyễn Khanh: trước hết thay mặt cho quý thính giả, chúng tôi xin được gửi đến Bà và Tổ Chức Human Rights Watch lời chúc đầu năm Mậu Tý. Thưa Bà nếu tôi nhớ không lầm thì cũng khoảng giờ này năm ngoái, Human Rights Watch dành tới gần 20 trang để nói về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Năm nay, phần Việt Nam chỉ vỏn vẹn có 5 trang rưỡi. Phải chăng đó là dấu hiệu xác định nhân quyền ở Việt Nam đã cải tiến trong năm 2007?

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson: không đúng như vậy đâu. Ðiều đó chỉ chứng tỏ cho thấy một sự thật đáng buồn là năm nay có nhiều quốc gia mà tổ chức chúng tôi phải quan tâm tới về tình trạng nhân quyền, thành ra phần danh cho mỗi nước phải cắt ngắn đi, trong đó có phần dành cho Việt Nam.

Tôi muốn nói rõ với ông là theo nhận định của tổ chức chúng tôi, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong năm rồi có thể nói là tệ hại nhất trong 20 năm qua. Các vụ bắt bớ, đàn áp những người bất đồng chính kiến vẫn liên tục xảy ra, nhà nước vẫn kiểm soát báo chí, kiểm soát internet. Không phải chỉ người dân không được quyền công khai bày tỏ quan điểm của họ, mà ngay cả những hoạt động tôn giáo vẫn tiếp tục bị chính quyền gây khó khăn.

Nguyễn Khanh: nếu được yêu cầu đưa ra một bằng chứng trong năm vừa rồi nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, Bà sẽ dẫn chứng bằng thí dụ nào?

Tôi muốn nói rõ với ông là theo nhận định của tổ chức chúng tôi, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong năm rồi có thể nói là tệ hại nhất trong 20 năm qua. Các vụ bắt bớ, đàn áp những người bất đồng chính kiến vẫn liên tục xảy ra, nhà nước vẫn kiểm soát báo chí, kiểm soát internet. Không phải chỉ người dân không được quyền công khai bày tỏ quan điểm của họ, mà ngay cả những hoạt động tôn giáo vẫn tiếp tục bị chính quyền gây khó khăn.

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson: một trong những bằng chứng rõ rệt nhất mà tất cả mọi người đều thấy là hình ảnh Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị viên công an không mặc sắc phục dùng võ lực bịt miệng Ngài, khi họ đưa Linh Mục ra tòa để kết tội ông.

Có nhiều người bảo rằng nhà nước đã cố ý dùng những lý lẽ giả tạo để kết tội Linh Mục Lý, chúng tôi thấy nhận xét như thế vẫn chưa đủ. Ðừng quên là đối với chính phủ Việt Nam, những ai lên tiếng nói những điều chính quyền không hài lòng đều bị bắt nhốt trong tù, theo đúng chủ trương bịt miệng tất cả những tiếng nói đối lập mà Hà Nội đã áp dụng từ bao nhiêu năm qua. Những người không may này sau đó bị đưa ra tòa xét xử và chẳng có phiên tòa nào diễn ra theo đúng tiêu chuẩn luật pháp quốc tế cả.

Nguyễn Khanh: Bà bảo Việt Nam không tôn trọng nhân quyền, tình trạng năm 2007 được đánh giá là tệ hại nhất trong 20 năm qua. Các quan chức Hoa Kỳ thường nói với tôi –và theo tôi hiểu thì họ cũng nói với Bà và với Human Rights Watch- rằng Việt Nam đã thể hiện những cải tiến tốt. Liệu tôi có thể nói rằng nhận định của Bà và của Chính Phủ Hoa Kỳ trái ngược với nhau hay không?

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson: quan điểm của Chính Phủ Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền Việt Nam trong năm 2007 không đồng nhất với nhau. Một mặt, chúng ta thấy quyết định thật sáng suốt của ông Ðại Sứ Michael Marine ở Hà Nội, khi ông mời một số bà vợ của những nhà tranh đấu cho dân chủ đến tư gia của ông.

Qua việc làm này, chúng tôi hiểu ngay là ông Marine muốn vinh danh những người tranh đấu cho lý tưởng tự do, cho nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời ông cũng muốn bắn tiếng cho chính phủ Hà Nội biết là chính phủ Mỹ ủng hộ việc làm của họ, sẵn sàng bảo vệ cho họ. Ðây là một trường hợp thật đặc biệt, và tôi nghĩ rằng mọi người phải ngợi khen việc làm của ông Ðại Sứ Marine.

Một điểm khác nữa cũng phải nhắc đến là sự kiện Tổng Thống George W. Bush lên tiếng bày tỏ quan điểm của Chính Phủ và nhân dân Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền Việt Nam khi ông đón Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết ở Nhà Trắng hồi mùa hè năm rồi.

Nhưng cùng một lúc, tôi lại thấy các quan chức chính phủ Mỹ, chẳng hạn như các quan chức của Bộ Ngoại Giao, khi ra điều trần trước Quốc Hội, họ nhắc đi nhắc lại điều mà chính phủ Hà Nội cũng hay nói, đó là ở Việt Nam không có ai bị bắt giữ vì lý do tôn giáo cả.

Chính điều này khiến cho chúng tôi phải âu lo. Tổ Chức Human Rights Watch chúng tôi có bằng chứng rõ rệt về trường hợp của ba, bốn trăm người đang bị bắt giữ, bị đàn áp, bị nhốt tù, chỉ vì họ bày tỏ niềm tin tôn giáo, đòi hỏi phải được quyền tự do tín ngưỡng…

Nguyễn Khanh: Human Rights Watch có đưa những chứng cớ mà Bà mới nói cho Bộ Ngoại Giao Mỹ hay không?

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson: chúng tôi liên tục cung cấp các chứng cớ này cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Chính vì thế mà việc các quan chức Mỹ liên tục phát biểu y hệt những điều các quan chức Việt Nam phát biểu khiến chúng tôi phải âu lo.

Nguyễn Khanh: các quan chức Mỹ còn bảo với tôi là Việt Nam đang đổi mới về nhiều mặt, chắc Bà cũng nghe điều đó?

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson: điều đó đúng. Việt Nam đang đổi mới, Việt Nam cởi mở hơn, người dân đi lại dễ dàng hơn, người nước ngoài đến du lịch cũng gặp thuận lợi hơn, liên lạc giữa thế giới bên ngoài với Việt Nam và ngược lại cũng tốt hơn. Những điều đó còn có nghĩa là chúng tôi có thể theo dõi về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam cũng như cổ võ cho nhân quyền Việt Nam dễ dàng hơn.

Nhưng đổi mới không có nghĩa là ngưng đàn áp. Ðó là điều những quan chức Mỹ không nói đến. Tự dưng tôi nhớ lại trong năm 2007 vừa rồi, có một số người mang quốc tịch Mỹ sang Việt Nam bị bắt và bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền. Ðiều đó có nghĩa là công dân các nước được phép vào du lịch, nhưng nếu làm chuyện gì nhà nước Việt Nam không hài lòng thì bị bắt ngay, và cáo buộc ngay tội muốn lật đổ chính phủ hay tội khủng bố.

Nguyễn Khanh: một số nhà quan sát Hoa Kỳ, Âu Châu và ngay ở Châu Á có chung quan điểm là đổi mới kinh tế sẽ dần dần dẫn đến đổi mới chính trị và đầu tư nước ngoài sẽ thổi một luồng gió cải cách. Bà có chia sẻ quan điểm này hay không?

chúng tôi liên tục cung cấp các chứng cớ này cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Chính vì thế mà việc các quan chức Mỹ liên tục phát biểu y hệt những điều các quan chức Việt Nam phát biểu khiến chúng tôi phải âu lo.

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson: điều ông nói là điều thường hay được tranh luận, đặc biệt ở Châu Á. Người ta thường bảo câu “nước dâng, thuyền cũng dâng”, đời sống tốt hơn, mức lương cao hơn, nhân quyền rồi sẽ đến.

Nhưng điều đó không có đúng. Tôi xin đơn cử hai trường hợp: Singapore là một, Trung Quốc là hai. Ðời sống người dân những nước này tốt hơn, nhưng đâu có nghĩa là tự do và nhân quyền đã đến. Nếu nhìn kỹ Trung Quốc, ông sẽ thấy là mô hình kinh tế của Hoa Lục đem lại thành công như thế nào, nhưng thành công đó đã đạp lên trên quyền căn bản của con người. Nói đến Trung Quốc, chúng ta cũng phải nói đến tình trạng tham nhũng, phải nói đến sự kiện môi trường bị hủy hoại, người dân bị nhà nước chèn ép lây đất bán cho các công ty mở khu kỹ nghệ. Cho tôi được nhắc lại rằng nhân quyền chính là chìa khóa mở cửa phát triển bền vững.

Nguyễn Khanh: Bà hoạt động ở lãnh vực này cũng khá lâu, và Bà cũng biết không dễ gì để nói với lãnh đạo một nước là phải tôn trọng nhân quyền…

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson: ông nói đúng. Ðó là điều không dễ làm. Nhưng nếu muốn được thế giới kính trọng, một nước như Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền. Tôi xin đơn cử một thí dụ: bệnh viện tâm thần là nơi dùng để chữa trị cho những người bị bệnh tâm thần, chứ không phải là nơi để tạm giam những người bất đồng chính kiến. Ðó là điều cả thế giới không chấp nhận được, chứ khônmg phải riêng chúng tôi.

Nguyễn Khanh: Bà có nói điều này với phía chính quyền Việt Nam không? Lần cuối cùng Bà nói chuyện với phía Việt Nam là lúc nào?

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson: cách đây chỉ một hai tháng, tôi có gặp người lãnh đạo Ủy Ban Tôn Giáo Chính Phủ khi ông ta dẫn đoàn sang Hoa Kỳ. Buổi gặp gỡ diễn ra rất lịch sự, tôi và đại diện của những NGO khác đặt câu hỏi, đoàn Việt Nam không đưa ra câu trả lời.

Chúng tôi cũng đã đưa cho đoàn danh sách những tù nhân chính trị, trong đó phần lớn đang bị giam cầm, quản thúc vì họ tranh đấu cho tự do tôn giáo. Chúng tôi cũng yêu cầu vị trưởng đoàn trả lời câu hỏi tại sao phái Việt Nam nói không có ai bị giam giữ vì lý do tôn giáo, trong khi các tổ chức bảo vệ nhân quyền lại có một danh sách dầy như vậy? Ông trưởng đoàn nói sẽ tìm hiểu và trả lời, nhưng đến bây giờ ông ta vẫn chưa trả lời.

Dù vậy, tôi vẫn đánh giá cao những buổi gặp gỡ. Ít ra, phía Việt Nam đã bắt đầu đồng ý gặp, nói chuyện với những tổ chức mà họ thường gọi là chuyên chỉ trích hay bêu xấu Việt Nam. Chỉ tiếc là họ mới đồng ý gặp chứ chưa trả lời những câu hỏi chúng tôi đặt ra.

Nguyễn Khanh: Việt Nam có mời Bà hay Human Rights Watch vào quan sát tận nơi không?

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson: có, họ có đề nghị như vậy. Chúng tôi có nói là rất vui và sẵn sàng vào Việt Nam để quan sát tại chỗ, nhưng với điều kiện là chúng tôi phải được tự do di chuyển, tự do tiếp xúc với những người cần phải tiếp xúc, và người mà chúng tôi tiếp xúc không bị nhà nước gây khó khăn. Nói cách khác, chúng tôi không thể nhận lời sang Việt Nam và đi đâu cũng bị nhà nước kiểm soát hoặc canh chừng.

Nguyễn Khanh: trở lại với bản phúc trình của Human Rights Watch. Bà dự đoán phản ứng của chính phủ Việt Nam như thế nào?

Bà Tiến Sĩ Sophie Richardson: đương nhiên. Phía Việt Nam thường bảo rằng chúng tôi đưa ra những chứng cớ bịa đặt, chúng tôi chỉ tiếp xúc với một nhóm nhỏ dân chúng rồi đưa ra kết quả. Ông nên nhớ rằng Việt Nam không phải là nước duy nhất chỉ trích việc làm của chúng tôi.

Quan điểm của chúng tôi rất rõ rệt: nếu Việt Nam thấy mình làm đúng, không có gì phải dấu diếm cả, thì Việt Nam nên mở rộng cửa cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế vào quan sát và thảo luận nghiêm chỉnh, cùng nhau tìm cách giải quyết những khúc mắc, thay vì tiếp tục đóng cửa và lên tiếng phản đối một cách máy móc như đang làm.

Nguyễn Khanh: xin cám ơn Bà Richardson.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2008/02/15/HumanRightsSituationInVietnam_Khanh/

Thursday, February 14, 2008

Công An Cho Phép Các Nhà Dân Chủ Toàn Quốc Họp Mặt

Công An Cho Phép Các Nhà Dân Chủ Toàn Quốc Họp Mặt Việt Báo Thứ Năm, 2/14/2008, 12:02:00 AM

“Công an Việt Nam cho phép các nhà dân chủ trong nước họp mặt” là nhan đề một bản tin của phóng viên Trà Mi trên đài RFA hôm 13-2-2008. Bản tin như sau.

Nhân dịp năm mới, các nhà tranh đấu dân chủ trong nước dự định tổ chức buổi họp mặt đầu xuân 2008. Kế hoạch này có gặp trở ngại gì hay không? Phong trào dân chủ quốc nội năm qua và thời gian tới ra sao?

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, ông Nguyễn Khắc Toàn, nhà báo độc lập, một trong những tiếng nói tiên phong đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam, cho biết thêm:

Buổi làm việc trước Tết với cán bộ đại diện của Bộ Công An tại Hà Nội mà cụ thể là Thưo.ng tá Hà Mạnh Hoà, tôi có bày tỏ cái việc anh em dân chủ ở Miền Bắc và cũng có thể là cả toàn quốc nữa từ trong Miền Nam ở Sài Gòn ra ngoài này, sẽ có một buổi họp mặt đầu Xuân tương tự như buổi gặp mặt đầu Xuân năm 2006, thì cuối tháng 12 họ trả lời tôi là không đồng ý. Nhưng trong buổi làm việc cuối cùng trước Tết thì Thượng tá Hà Mạnh Hoà - đại diện cho phía công an Việt Nam đã chủ động đồng ý cho chúng tôi cuộc gặp mặt này.

Chúng tôi dự dịnh cuộc gặp mặt sẽ diễn ra từ ngày Mùng 5 đến ngày Mùng 10 Tết Mậu Tý, nhưng không may có sự kiện cụ Hoàng Minh Chính đã qua đời, cho nên chúng tôi đã phải lùi lại sau đám tang cụ Hoàng Minh Chính.

Trà Mi : Đối với quan điểm các nhân cuả ông thì ông nghĩ rằng sự chấp thuận này có hàm chứa trong đó một ẩn ý nào không ạ?

Ông Nguyễn Khắc Toàn : Tôi rất bất ngờ về việc phía công an Việt Nam đồng ý cho anh em chúng tôi họp mặt với số lượng khoảng trên dưới hai ba chục người. Tôi nghĩ rằng họ cũng muốn nhắn nhủ với dư luận trong nước và hải ngoại một thông điệp là năm 2008 đảng cộng sản và nhà nước. Việt Nam sẽ có một cải thiện nhân quyền nhất định như lời tuyên bố của Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ là trong năm 2008 nhân quyền tại Việt Nam sẽ được cải thiện. Thì tôi nghĩ rằng đấy là một tín hiệu tốt, là một cử chỉ đáng hoan nghênh.

Trà Mi : Vâng. Và khi họ đồng ý như vậy thì họ có đưa ra những điều kiện nào không, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Toàn : Một điều kiện duy nhất: Phía công an họ nói với tôi rằng không nên có một cái gì quá khích và rầm rộ. Và họ có hỏi qua tôi về địa điểm và ngày giờ. Tôi cũng trả lời cho họ biết rõ là thời gian từ ngày đó đến ngày đó, còn địa điểm thì chúng tôi vẫn giữ bí mật vì chúng tôi cũng đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra.

Trà Mi : Thưa, xin được hỏi thăm là mục đích cũng như nội dung của buổi họp mặt này như thế nào và thời gian dự định sẽ đựoc trì hoãn cho tới khi nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Toàn : Chủ yếu chúng tôi họp mặt đầu Xuân để điểm lại những chặng đường đấu tranh dân chủ trong năm qua và bàn kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hoá nước nhà trong năm 2008 và những năm kế tiếp. Chúng tôi hiện nay phải hoãn lại và cũng chưa biết đến bao giờ sẽ thực hiện được vì vấn đề ở trong nước có những vấn đề tế nhị cho nên chúng tôi cũng không thể thông báo được công khai.Trà Mi: Vâng ạ. Chúng tôi được biết là các anh em dân chủ trong Khối 8406 trong năm vừa qua lần lượt bị chính quyền sách nhiễu hoặc bị khống chế khiến cho làn sóng dân chủ trong nước năm rồi có vẻ như im hơi lặng tiếng so với năm 2006, thì ông nhận thấy tình hình chung hiện nay ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Toàn : Nhận xét của chị thì cũng đúng một phần. Năm 2007 vừa qua chính quyền và công an ở trong nước đã đàn áp khốc liệt phong trào dân chủ, ví dụ như vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý, rồi Đảng Thăng Tiến Việt Nam, rồi vụ bắt giữ Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, rồi vụ đem ra xét xử hàng loạt các nhà đấu tranh cho dân chủ như Bác sĩ Lê Nguyên Sang, nhà báo Huỳnh Nguyên Đạo, Luật sư Nguyễn Bắc Truyển, Trần Quốc Hiền, v.v. và một số anh em dân chủ khác kể cả một số nhà hoạt động tôn giáo phải chạy sang Campuchea để lánh nạn, như Kỹ sư Bạch Ngọc Dương, Kỹ sư Đào Văn Thuỵ, Mục sư Ngô Hoài Nở, Mục sư Trần Văn Hoà, v.v.

Nhưng trong năm qua, một điều thật bất ngờ cho phong trào dân chủ trong nước, đó là nhiều khuôn mặt mới tiếp tục bổ sung vào mặt trận dân chủ này. Như vậy là chứng tỏ việc dàn áp của chính quyền và phía công an trong nước không hề có hiệu quả như họ đã mong muốn, tức là phong trào dân chủ vẫn tiếp tục đi lên trong sự đàn áp và khủng bố (của công an và chính quyền).

Trà Mi : Ý ông muốn nói là chỉ một sự lắng dịu tạm thời?

Ông Nguyễn Khắc Toàn : Thưa đúng như vậy. Họ lắng dịu xuống cũng để chờ đợi một cơ hội khác thuận lợi hơn để bùng trở lại.

Trà Mi : Dạ. Thưa, ông vừa nói là đang chờ đội một cơ hội thuận tiện phong trào dân chủ sẽ tiếp tục trỗi dậy, bùng phát mạnh mẽ hơn, thì theo ông yếu tố thời cơ đó thì cần có những điều kiện cần và đủ như thế nào?

Ông Nguyễn Khắc Toàn : Muốn có một đợt sóng bùng lên mạnh mẽ để đòi hỏi nhân quyền và dân chủ thì cần có sự hỗ trợ của phong trào bên ngoài và cái áp lực của quốc tế, cũng như sự phân hoá, chia rẽ của chính quyền. Đấy là những điều kiện cần và đủ giúp cho phong trào dân chủ đi lên. Và cộng vào cái đó nữa là càng ngày càng có nhiều lực lượng trẻ, lực lượng trí thức bổ sung thêm vào mặt trận này.

Trà Mi : Phong trào đấu tranh cho dân chủ trong nước vừa mất đi một nhân vật sáng giá, đó là Giáo sư Hoàng Minh Chính, thì việc này có ảnh hưởng đến các hoạt động của phong trào hay là ảnh hưởng đến tinh thần của các chiến sĩ dân chủ như thế nào chăng, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Toàn : Cụ Hoàng Minh Chính là một tấm gương uy dũng và bất khuất cho chúng tôi noi theo. Sự ra đi của cụ Hoang Minh Chính là một tổn thất nặng cho phong trào dân chủ Việt Nam, tuy nhiên, không hề ảnh hưởng đến phong trào dân chủ, bởi vì theo quy luật là tre già măng mọc.

Trà Mi : Dạ. Như vậy sau sự ra đi của Giáo sư Chính thì hướng sắp tới phong trào dân chủ quốc nội có những dự định như thế nào, những kế hoạch tranh đấu cụ thể ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Toàn : Bởi vì đây là phong trào dân chủ tự phát trong quần chúng, trong xã hội, nó không hề có tổ chức, nhưng anh em vẫn hợp tác với nhau cũng rất chặt chẽ, thì chúng tôi dự định là trong năm 2008 và trong những năm tới tiếp tục gióng lên những đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền. Giai đoạn hai thì mới nói đến thành lập tổ chức, hội đoàn, xúc tiến một xã hội công dân và đẩy Đảng Cộng Sản Việt Nam vào tình thế buộc phải mở cửa cho xã hội về mặt chính trị.

Trà Mi : Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

Ông Nguyễn Khắc Toàn : Vâng. Tôi cũng xin cảm ơn toàn bộ quý thính giả của Á Châu Tự Do đang lắng nghe tôi trả lời phỏng vấn từ Hà Nội.
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=123523

Saturday, February 2, 2008

Hàng trăm trí thức, chính trị gia tiếp tục đề nghị trao giải Nobel Hòa Bình cho Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ

Hàng trăm trí thức, chính trị gia tiếp tục đề nghị trao giải Nobel Hòa Bình cho Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ
Friday, February 01, 2008
medium_VN_010208_thichquangdo.jpg

Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ đến thăm và tặng quà cho những nông dân biểu tình đòi đất tại Sài Gòn hồi năm ngoái.

PARIS, (NV) - Theo Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế tại Paris, hàng trăm nhân sĩ, trí thức, chính trị gia ở Âu Châu, Á Châu, Mỹ Châu đã cùng ký tên đề cử trao giải Nobel Hòa bình 2008 cho Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ.

Ngày cuối cùng để Ủy Ban Nobel Hòa Bình tại thủ đô Oslo, Na Uy nhận các đề nghị về giải này của năm nay là 31 tháng 1.

Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế tại Paris cho biết: “Năm nay Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã được hàng trăm nhân sĩ, trí thức quốc tế, giáo sư đại học từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, các dân biểu thuộc nhiều quốc hội tại Ðông Âu, Bắc Âu, Tây Âu, Trung Ðông, Hoa Kỳ,... viết thư đề cử”.

Tại Quốc Hội Châu Âu đã có 60 dân biểu ký tên đề cử. Riêng tại Ý, một quốc gia mà đa số dân chúng theo Thiên Chúa Giáo, trong tin kể trên, Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế viết: “67 dân biểu Quốc Hội Ý đủ mọi khuynh hướng từ tả sang hữu, kể cả đảng Cộng Sản, hậu thuẫn Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ. Qua thông cáo báo chí đánh đi từ Roma, Dân Biểu Bruno Mellano phát biểu: Tự do tôn giáo là chìa khóa cho dân chủ tại Ðông Nam Á. Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ là biểu tượng cho cuộc đấu tranh bất bạo động cho tự do tôn giáo và nhân quyền”.

Ba dân biểu Hoa Kỳ tại tiểu bang California và một dân biểu tiểu bang Virginia, nơi có đông người Việt Nam cư ngụ, cũng đã viết thư đề cử Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ nhận giải Nobel Hòa Bình năm nay. Trong thư đề cử họ viết: “Sự đóng góp cho tự do của Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ mang tầm vóc quy mô lịch sử xứng đáng được quý thành viên trong ủy ban thừa nhận. (...)Giải Nobel Hòa bình không chỉ vinh danh cho sự dũng cảm đề xướng hòa bình, mà còn công nhận sự chiến đấu âm thầm cho những ai đang hy sinh thân xác hằng ngày nhằm bênh vực nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam hay bất cứ nơi nào khác”.

Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, 79 tuổi, viện trưởng Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, từng được đề nghị trao giải Nobel Hòa Bình nhiều lần. Năm 2006, hòa thượng đã được trao giải thưởng Nhân Quyền Rafto ở Na Uy. Nhiều người được trao giải Nhân Quyền Rafto sau đó đã được trao giải Nobel Hòa Bình.

Cho tới nay, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ vẫn bị công an Việt Nam quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện, Sài Gòn. Nhà cầm quyền Việt Nam ngăn cấm hòa thượng tiếp xúc, thảo luận với Hòa Thượng Thích Huyền Quang, viện trưởng Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Từ khi thành lập xong “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”, với sự tham dự của một vài thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào năm 1981, nhà cầm quyền Việt Nam đã tìm nhiều cách nhằm tiêu diệt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa Thượng Thích Huyền Quang bị đày tới một ngôi chùa hoang phế dột nát ở huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Còn Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ bị đưa về Thái Bình ở miền Bắc để quản chế.

Nhiều năm qua, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ nhiều lần lên tiếng tố cáo việc đàn áp tôn giáo. Hòa thượng cũng đòi hỏi bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp (dành độc quyền cai trị Việt Nam cho đảng Cộng Sản Việt Nam) và nêu ra các điều kiện nếu nhà cầm quyền muốn hợp nhất Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất với Giáo Hội Phật Giáo do nhà nước thành lập.

Dù bị cản trở, phá hoại dưới nhiều hình thức, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã thành lập ban đại diện tại hầu hết các tỉnh phía Nam và miền Trung Việt Nam.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=73268&z=2