Wednesday, February 25, 2009

Đời Đời Nhớ Ơn đám quân xâm lược giết thường dân vô tội đó

Không tưởng tượng nổi! Nếu vì phép lịch sự khi viếng mộ, người ta có thể viết hai chữ “Kính Viếng” hoặc “Thương Xót” những người đã chết, dù họ từng là kẻ thù của dân tộc mình. Nhưng tại sao phải nói “Đời Đời Nhớ Ơn?” Ơn gì? Trong số các “liệt sĩ Trung Quốc” ở các nghĩa trang gần biên giới đó, có bao nhiêu người đã chết vì xâm lăng nước ta ngày 17 tháng Hai năm 1979? Ơn họ cướp nước, ơn đốt nhà, ơn phá cầu, phá đường, ơn tàn sát những thường dân vô tội hay sao?


Chúng ta biết rằng chính quyền một xã như xã Đề Thám không bao giờ dám quyết định viết “Đời Đời Nhớ Ơn” những người lính Trung Hoa đã sang giết dân mình. Họ phải được lệnh của cấp trên. Hoặc ít nhất họ đã hỏi ý cấp trên trước khi đặt vòng hoa, và được khuyến khích viết những hàng chữ “Nhớ Ơn” như thế. Cấp trên nào? Cấp huyện? Cấp tỉnh? Không chắc những người ở những cấp này dám quyết định bắt dân chúng Việt Nam “Đời Đời Nhớ Ơn” những người lính đã đánh nước mình. Chỉ có những người chỉ huy trên cao nhất, là Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam mới có quyền quyết định những điều quan trong như vậy.

Họ quyết định như vậy để làm gì? Có phải cũng vì những lý do giống như khi họ cho các công ty Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Việt Nam, mặc dù các chuyên gia người Việt đã yêu cầu ngưng để nghiên cứu lại ảnh hưởng trên môi trường, hay không?

Nhưng khi bán tài nguyên quốc gia cho nước ngoài một cách mù quáng thì cũng chỉ làm thiệt hại của cải vật chất mà thôi. Còn khi bắt người dân Việt Nam phải “Đời Đời Nhớ Ơn” những người lính Trung Quốc đã sang nước mình tàn sát người mình, thì đó là một hành đồng làm nhục cả một dân tộc, một mối nhục ngàn đời khó rửa sạch.


Giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc có muốn người Việt mình phải cúi đầu chịu một mối nhục tập thể hay sao? Nếu là những người có học, chắc họ không làm việc đó. Hay là chính những người cầm đầu đảng Cộng Sản Việt Nam tự nguyện làm công việc nhục nhã này? Chỉ những người vô học mới có những hành động quỵ lụy ngu dốt như vậy.

Khi các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng đi Trung Quốc, không biết các ông ấy đã được giới lãnh đạo Bắc Kinh hứa hẹn những gì mà họ nhẫn tâm bắt dân Việt Nam phải “Đời Đời Nhớ Ơn” đám quân xâm lược giết thường dân vô tội đó? Họ có được tặng những biệt thự ở gần Trung Nam Hải để về nghỉ hưu (khi cần sống lưu vong) hay không? Bắc Kinh có yêu cầu Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam lập đền thờ để ghi công ơn của Toa Đô, Liễu Thăng, nữa hay không? Những ông đó cũng là những “liệt sĩ Trung Quốc” vào thế kỷ 13 và 15, họ cũng bị tử vong trong các hoàn cảnh giống như những “liệt sĩ Trung Quốc” đánh nước ta năm 1979 vậy!


Một chính quyền do dân bầu cử tự do không bao giờ dám làm những việc nhẫn tâm làm nhục dân nước mình đến mức bắt dân phải Đời Đời Nhớ Ơn quân xâm lược. Chính quyền nào làm như vậy sẽ bị dân bỏ phiếu đuổi đi ngay. Vì không một dân tộc nào lại chấp nhận sống nhục nhã.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91063&z=7

Sunday, February 22, 2009

Ngoại trưởng Clinton tại Trung Quốc: mối lo kinh tế đè bẹp nhân quyền

Ngoại trưởng Clinton tại Trung Quốc: mối lo kinh tế đè bẹp nhân quyền
Saturday, February 21, 2009
medium_TG-090221-CLINTON CHINA.jpg

Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton, bên phải, đang được tiếp đón tại Bắc Kinh ngày Thứ Bảy. (Hình: Greg Baker, Pool/AP)

BẮC KINH (Reuters) - Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm Thứ Bảy ngày 21 Tháng Hai nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể giúp đưa thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay bằng cách hợp tác với nhau, khẳng định rõ ràng là điều này vượt hẳn quan tâm của Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

Trong chuyến công du đầu tiên tại Trung Quốc ở chức vụ ngoại trưởng, bà Clinton đã có thái độ mềm dẻo về vấn đề tự do chính trị và tôn giáo ở Trung Quốc hơn là vào năm 1995 khi bà đọc một bài diễn văn ở Bắc Kinh, công khai chỉ trích về nhân quyền.

Lên tiếng trong một cuộc họp báo cùng với Ngoại Trưởng Trung Quốc Yang Jiechi, bà Clinton nói rằng cả hai bên sẽ có “các cuộc thảo luận thẳng thắn về những vấn đề mà chúng tôi bất đồng ý kiến, kể cả vấn đề nhân quyền, Tây Tạng, tự do tôn giáo và tự do phát biểu.”

Tuy nhiên bà nói rằng nỗ lực chung của cả hai quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong hoàn cảnh khó khăn toàn cầu hiện nay, việc giảm bớt tình trạng thay đổi khí hậu và đối phó với các vấn đề an ninh như chương trình nguyên tử của Bắc Hàn, phải có ưu tiên hơn cả.

“Những vấn đề của thế giới cho chúng tôi một lịch trình làm việc chật cứng và khó khăn,” bà nói, cho biết thêm rằng bà và ông Yang đã có những cuộc họp về nhiều vấn đề nhưng “khởi sự từ một tiền đề rất giản dị: Hoa Kỳ và Trung Quốc phải có một mối giao thiệp tích cực và hợp tác song phương.”

Ở chặng cuối của chuyến công du Á Châu kéo dài một tuần lễ, vốn đã đi qua Tokyo, Jakarta và Seoul, bà Clinton nhấn mạnh về sự kết hợp chặt chẽ giữa hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Hoa Kỳ hiện là một trong những thị trường lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc xuất cảng ra ngoại quốc trong khi Trung Quốc, với số dự trữ ngoại tệ lên đến khoảng 2 ngàn tỉ Mỹ kim, là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ.

“Tôi rất cám ơn sự tiếp tục tin tưởng của chính quyền Trung Quốc vào công khố phiếu Hoa Kỳ. Tôi nghĩ đó là sự tin tưởng có căn bản vững chắc. Chúng tôi có mọi lý do để tin rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ phục hồi và chúng ta sẽ cùng nhau hướng dẫn sự phục hồi của cả thế giới.”

Khi được hỏi là liệu Trung Quốc có xét lại việc mua công khố phiếu của Hoa Kỳ hay không, ông Yang đã chỉ cho biết rằng Trung Quốc có quyết định đầu tư ngoại tệ dựa trên quyền lợi của họ.

Một số nhà tranh đấu Trung Quốc, một số từng là những người đã ký vào thỉnh nguyện thư mang tên “Chapter 08” để đòi hỏi cải cách chính trị và dân chủ, đã bị cấm không cho ra khỏi nhà họ trong thời gian bà Clinton ở Trung Quốc, theo nguồn tin từ tổ chức Chinese Human Rights Defenders. (V.Giang)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91137&z=5
Nữ Ngoại Trưởng Clinton tuyên bố “không nên để vấn đề nhân quyền cản trở bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc”
Feb 20, 2009

Ngoại Trưởng Clinton đến Trung Quốc.
Photo courtesy: Reuters.
Ngoại Trưởng Clinton đến Trung Quốc.
Photo courtesy: Reuters.

Cali Today News - Cơ quan Amnesty International và một cơ quan ủng hộ Tây Tạng thứ sáu 20/2 đã bày tỏ sự “kinh ngạc lớn lao” của họ khi bà Clinton cho là không nên để các quan tâm về nhân quyền chi phối mối hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuyên bố với các ký giả ở Seoul trước khi bay qua Bắc Kinh bà Clinton nói: “Chúng tôi vẫn gây áp lực lên TQ về nhân quyền, nhưng không nên để chuyện này ảnh hưởng đến cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu và an ninh toàn cầu”.

T. Kumar thuộc cơ quan Ân Xá Quốc Tế Hoa Kỳ bày tỏ sự “kinh ngạc và thất vọng lớn lao về những câu nói của bà Clinton”.

Ông nói: “Hoa Kỳ là một trong một số thật ít ỏi các xứ trên thế giới có thể gây áp lực lên chính phủ TQ về vấn đề nhân quyền”.

Ông nói: “Nhưng khi tuyên bố nhân quyền không thể lẫn lộn vào các ưu tiên khác, bà Ngoại Trưởng đã làm thương tổn các sáng kiến trong tương lai của Mỹ để bảo vệ nhân quyền ở TQ”.

Hiện nay chính phủ TQ đang cho đổ thêm quân đội vào Tây Tạng vì sắp tới ngaỳ kỷ niệm 50 năm người dân Tây Tạng vùng lên chống lại TQ khiến Đức Đa Lai Đạt Ma phải sống lưu vong ở Ấn Độ từ đó đến nay.

Đào Nguyên source AP
http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=50222173c63b33631c4fe06ec0c15058

Saturday, February 7, 2009

Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam hội thảo tại Hòa Lan

Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam hội thảo tại Hòa Lan
Nhã Trân, phóng viên RFA-Bangkok
2009-02-06

Người Việt tị nạn hiện đang có mặt rải rác khắp thế giới và đã hiện diện tại Hoà Lan từ năm 1976. Cũng như người Việt tị nạn tại các châu lục, người Việt tị nạn tại Hoà Lan đã thành lập một số tổ chức cộng đồng, và một trong số ấy là Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam.

Photo: RFA

Tulip là loài hoa có nguồn gốc tứ xứ Hòa Lan

Được tin tổ chức này sắp mở ra một cuộc hội thảo cho ngưòi Việt hải ngoại cũng như cho người nước ngoài, Nhã Trân phỏng vấn chủ tịch của Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam là tiến sĩ ngành Quan hệ Ngoại giao Quốc tế Ngô Văn Tuấn.

Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam đã hoạt động chính thức từ năm 1983. Lúc đầu đây là Ủy ban Thống nhất Hành động của người Việt tỵ nạn tại Hòa Lan.

Đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam.

Nhã Trân: Chào tiến sĩ và trước hết xin ông cho quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do được biết qua về Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam tại Hoà Lan.

Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn: Xin chào cô và quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do. Thưa, Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam đã hoạt động chính thức từ năm 1983. Lúc đầu đây là Ủy ban Thống nhất Hành động của người Việt tỵ nạn tại Hòa Lan. Ủy Ban này kết hợp tất cả các lực lượng của người Việt tỵ nạn tại Hòa Lan đấu tranh về mặt chính trị. Còn về mặt văn hóa thì có Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn tại Hòa Lan đảm trách.

Ủy ban Thống nhất Hành động đã cùng Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn tại Hòa Lan kết hợp giữa chính trị và văn hóa, kết hợp song song hai vấn đề này trong các hoạt động trong cộng đồng người Việt ở Hòa Lan.

Đến năm 1991 Ủy ban Thống nhất Hành động đổi tên là Hội Phát triển Việt Nam, và đến năm 1994 thì đổi thành Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam cho phù hợp với tình thế mới và để hoạt động không còn bị giới hạn ở Hòa Lan mà được nới rộng ra Âu Châu và hải ngoại.

Lập trường của Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam là đấu tranh liên tục cho tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam.

Từ năm 1999 Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam đã hoạt động diễn đàn Elite được 10 năm, và chính thức tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế có chiều sâu hơn, nới rộng ở hải ngoại cho người ngoại quốc trên thế giới, và người Việt Nam tỵ nạn tại hải ngoại.

Từ năm 1999 Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam đã hoạt động diễn đàn Elite được 10 năm, và chính thức tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế có chiều sâu hơn, nới rộng ở hải ngoại cho người ngoại quốc trên thế giới, và người Việt Nam tỵ nạn tại hải ngoại.

Cuộc hội thảo quốc tế về nhân quyền và phát triển Việt Nam

Nhã Trân: Ông có thể cho biết về mục đích của cuộc kỳ này, cuộc hội thảo quốc tế về nhân quyền và phát triển Việt Nam?

Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn: Thưa, lập trường của Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam là đấu tranh liên tục cho tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam. Vì thế mọi công tác là nhằm vào mục đích này.

Bản tường trình của cuộc hội thảo quốc tế này sẽ được công bố tới người Việt hải ngoại để kính tường; những kế hoạch cụ thể đã được đồng ý trong cuộc hội thảo - kế hoạch đề ra cho Việt Nam trong những năm sắp tới - sẽ được công bố rộng rãi để kính tường. Kiến nghị thư sẽ được trao tay cho EU và chính phủ Hoà Lan.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã làm việc, có liên lạc và quen biết với nhiều thành phần trong chính phủ Hòa Lan và ở Âu Châu, đặc biệt là Ủy Hội Ấu Châu và Nghị Viện Âu Châu, hằng quan tâm đến người Việt Nam tỵ nạn. Những người này là thuộc Bộ Ngoại v.v…. Và còn có một số viên chức trong chính phủ Anh Quốc và chính phủ Hồng Kông.

Từ ngày thành lậpTổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam đã tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam, đặc biệt là với chính quyền Hòa Lan. Quốc Hội Hòa Lan, Bộ Ngoại Giao và Bộ Hợp Tác Phát Triển Hòa Lan đã giúp đỡ chúng tôi, và khuyến khích chúng tôi cần phải có thái độ mạnh mẽ về nhân quyền. Do đó chúng tôi có cuộc hội thảo này.

Nhã Trân: Còn về tiêu đề chính của cuộc hội thảo, tiến sĩ có thể cho hay?

Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn: Thưa cuộc hội thảo sẽ trình bày cho người Việt và người ngoại quốc về tình trạng nhân quyền ở VN, về tình trạng tham nhũng đang thao túng ở Việt Nam, về những phát triển đã đạt được ở VN trong những năm vừa qua cũng như thời gian sắp tới.

Cuộc đối thoại với chính quyền Việt Nam

Nhã Trân: Thưa hình như cuộc hội thảo này có đề cập đến vấn đề đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam?

Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn: Dạ. Đây là điều mà chúng tôi quan tâm.

Nhã Trân: Ông có thể cho biết lý do Tổ chức Quốc tế Phát triển Việt Nam cho rằng cần có sự đối thoại với Hà Nội?

Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn: Thưa chúng tôi thấy có hai kinh nghiệm, một ở Hiệp định Genève 1954, và một ở Hiệp định Paris 1973. Chúng tôi đã đọc các tài liệu, đã trao đổi, đã bàn luận về 2 hiệp định này. Bây giờ chúng tôi đã có kinh nghiệm về Hiệp định Genève và Hiệp định Paris để đúc kết, để làm tài liệu. Chúng tôi cho rằng đó là những kinh nghiệm mà những người đi trước đã trải qua.

Tôi tin rằng không chóng thì chầy, chính quyền Việt Nam cũng phải nhìn thấy được thực tế; cũng phải có sự quan tâm đúng mức cho hiện tại và tương lai, nếu muốn cho đất nước Việt Nam thực sự tiến lên vững chắc cùng với thế giới.

Tôi tin rằng không chóng thì chầy, chính quyền Việt Nam cũng phải nhìn thấy được thực tế; cũng phải có sự quan tâm đúng mức cho hiện tại và tương lai, nếu muốn cho đất nước Việt Nam thực sự tiến lên vững chắc cùng với thế giới.

Do đó chúng tôi muốn đối thoại với nhà nước cộng sản Việt Nam. Nếu được thì chúng ta có tất cả, còn nếu không được thì chúng ta cũng chẳng mất điều gì. Vì thế chúng tôi cho rằng đây là cách chọn lựa hợp lý, cách chọn lựa tốt nhất và có lợi cho cả hai bên.

Nhã Trân: Phương cách cụ thể về việc đối thoại với phía Việt Nam sẽ đựơc trình bày trong cuộc hội thảo thưa ông?

Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn: Dạ sẽ được công bố rộng rãi thưa cô.

Nhã Trân: Thưa thời gian và địa điểm của cuộc hội thảo này như thế nào?

Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn: Đến hôm nay tất cả mọi việc đều đã xong hết. Chúng tôi đã sắp xếp xong mọi thứ và mướn phòng ốc ở hotel 2 tại hotel Casong plan 2, Affananten, Hoà Lan

Nhã Trân: Và theo chúng tôi được nghe thì cuộc hội thảo mở ra không những cho người Việt mà còn cho người ngoại quốc?

Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn: Dạ đúng. Trong ngày 6 và 7 tháng 2 sẽ có nhiều người Âu Châu và người Hoà Lan đến nghe buổi thuyết trình. Ngày 7 thì có người Âu Châu, Hoà Lan và người Việt Nam. Ngày 8 thì dành riêng cho người Việt Nam.

Trong ngày 6 và 7 tháng 2 sẽ có nhiều người Âu Châu và người Hoà Lan đến nghe buổi thuyết trình. Ngày 7 thì có người Âu Châu, Hoà Lan và người Việt Nam. Ngày 8 thì dành riêng cho người Việt Nam.

Nhã Trân: Thưa đến ngày hôm nay ban tổ chức đã nắm được số liệu về ngưòi ghi danh?

Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn: Đến hôm nay chúng tôi đã có hơn 200 ngưòi. Số người tham dự và số người cộng tác rất đông. Trong số quan khách có luật sư Liesbeth, dân biểu Đệ Nhị Viện Quốc Hội Hòa Lan, Phó Chủ tịch Đảng Dân Chủ Thiên Chúa (CDA), đảng lớn nhất và đang nắm quyền ở Hòa Lan, sẽ đọc diễn văn khai mạc. Ký giả Lê Hải của đài BBC (Anh Quốc) cũng sẽ đến.

Nhã Trân: Tiện đây tiến sĩ có thể cho biết một chút về thành phần diễn giả của cuộc hội thảo này?

Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn: Có rất nhiều người, ở nhiều nước khác nhau. Thành phần diễn giả gồm cả người ngoại quốc và Việt Nam.

Bên người Việt gồm tiến sĩ Đoàn Liên Phùng (Mỹ), nhân viên cơ quan Trung tâm Nguyên Tử Đà Lạt Việt Nam trước năm 1975, hiện là Chủ tịch Công ty điện nguyên tử President PAI Corporation), với đề tài thuyết trình “Điện nguyên tử, Giáo dục và Công tác Phát triển Bền vững Thế kỷ 21.” Giáo sư Trương Quang (Hòa Lan), ban giảng huấn Đại học Maastricht, với đề tài “Tổng quát, Cạnh tranh và Phương pháp Quản lý.” Giáo sư Nguyễn Quốc Khải (Mỹ) cựu chuyên viên kinh tế Ngân hàng Thế Giới, cựu giáo sư thỉnh giảng Đại học Johns Hopkins, với đề tài “Khủng hoảng Tài chính tại Việt Nam.”

Kỹ sư Phạm Công Hoàng (Đức) Chủ tịch Tổ Chức Sinh Hoạt Người Việt Tỵ Nạn Tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, với đề tài “Nhân quyền và Tình trạng hiện nay ở Việt Nam."… và một số diễn giả khác.Phía diễn giả ngoại quốc có thể kể Tiến sĩ Henk Peters (Hòa Lan) Trưởng ban Đông Nam Á - Tổ Chức Quốc Tế Novib Oxfam, thuyết trình về đề tài “Công tác Phát Triển tại Việt Nam.” Tiến sĩ Dirk Jacobs (Bỉ) Ủy Hội Ấu Châu, đề tài “Vấn đề Sửa đổi Hiến Pháp Việt Nam.” Thạc sĩ Ad Tottenberg (Bỉ), cựu Nghị sĩ Nghị Viện Ấu Châu, hiện đang làm việc tại Cơ Quan Quốc Tế Vitens, đề tài “Giao Thông và Thủy Lợi tại Việt Nam.” …. và nhiều người khác nữa.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-Group-in-Holland-Launchs-Workshop-on-Vietnam-Human-Rights-02062009143618.html

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế được đề nghị tặng giải Nobel hòa bình

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế được đề nghị tặng giải Nobel hòa bình
Feb 06, 2009

Tin từ Cao Trào Nhân Bản do bác sĩ Nguyễn Quốc Quân từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn vừa cho biết vào cuối tháng giêng vừa qua, hai vị Dân biểu liên bang Hoa Kỳ đã gởi một văn thư cho Tiến sĩ Ole Danbolt Mjos là Chủ tịch Ủy ban giải Nobel Hòa bình tại Na Uy, đề nghị trao giải Nobel Hòa bình năm 2009 cho Bác sĩ Nguyễn Đan Quế là nhà đấu tranh cho nhân quyền hiện đang bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam quản chế trong nước. Văn thư do hai Dân biểu đảng Dân Chủ James Moran và Gerald Connolly, đại diện cho hai đơn vị tại ngoại ô Hoa Thịnh Đốn thuộc Virginia, đã trình bầy cho ông Chủ tịch Ủy ban giải Nobel Hòa bình rằng Bác sĩ Nguyễn Đan Quế là người xứng đáng được nhận giải cao quý này cho năm nay.

Văn thư dài ba trang của hai vị Dân biểu Hoa Kỳ đã ca tụng Bác sĩ Nguyễn Đan Quế là một người can trường, đã vận động cả đời cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam, cũng như bất chấp sợ hãi đòi áp dụng Tuyên ngôn Hoàn vũ Nhân quyền cho tất cả mọi người. Hành động quên mình theo đuổi mục tiêu chuyển đổi Việt Nam sang dân chủ trong hòa bình đã khiến bản thân ông chịu cực hình và thù hằn chính trị suốt ba thập niên. Ông sẽ vô cùng xứng đáng đứng chung với các khôi nguyên nhận giải Nobel Hòa bình cao quý. Hai vị Dân biểu viết rằng thừa nhận cuộc vận động anh hùng cả đời của Bác Sĩ Quế sẽ như cung cấp một ánh sáng hy vọng cho tất cả những người Việt Nam vận động nhân quyền, gồm cả Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Ảnh hưởng của việc này còn vựơt xa Việt Nam, nâng cao tinh thần của những người đang vận động ôn hòa tại các nước láng giềng như Trung Cộng, Miến Điện và các nước khác nơi nhân quyền đang bị tấn công.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng như Hòa thượng Thích Quảng Độ là những người đã từng nhiều lần được đề nghị giải Nobel Hòa bình trong thời gian qua.
http://www.calitoday.com/news/view_article.html?article_id=3cbb22577af6a9ed37b787b71f61ad06