Friday, July 6, 2007

Tiếp tục biểu tình đòi đất ở TP HCM



Tiếp tục biểu tình đòi đất ở TP HCM


Biểu tình đòi đất của dân Tiền Giang ở Sài Gòn
Cờ và biểu ngữ bên ngoài văn phòng quốc hội
Nhiều người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Long An và Bình Thuận, đang trụ bên ngoài trụ sở Văn phòng Quốc hội II ở Tp Hồ Chí Minh để biểu tình đòi "công lý".

Thế nhưng cuộc biểu tình đã kéo dài sang cả hai tuần nay mà vẫn chưa thấy báo chí trong nước đăng tin tức gì.

Được biết vào sáng thứ Sáu, hàng trăm người đã mang theo biểu ngữ và tiến hành biểu tình có trật tự.

Họ bày tỏ sự bất bình về việc "các quan" chiếm đất và tham nhũng.

Một người dân chứng kiến sự việc cho BBC biết: “Tại ngã ba Hồ Văn Huê và Hoàng Văn Thụ, nhiều người tập trung hơn mọi ngày. Cũng có cờ đỏ sao vàng và búa liềm".

"Một người cầm cả loa quay vào văn phòng quốc hội rồi hô đả đảo cướp đất. Họ đòi công lý, đòi lại đất đã bị chiếm đoạt”.

Ông kể tiếp: “Trong khi đó, công an dùng camera để quay hình đám người biểu tình. Lực lượng dân phòng khá đông. Ai đứng lại quan sát cũng bị họ mời đi. Bản thân tôi cũng bị đuổi khi đang đứng đọc các băng rôn”.

“Tôi cũng cảm thấy buồn và bức xúc vì sự việc như vậy xảy ra trước văn phòng quốc hội hơn mười ngày nay mà chưa giải quyết được”.

Theo một người dân Bến Tre tham gia biểu tình, có khoảng trên dưới 400 người vẫn bám trụ bên ngoài ngoài trụ sở Văn phòng Quốc hội cơ sở phía Nam.


Họ đòi công lý, đòi lại đất đã bị chiếm đoạt.

Một người dân

Bà nói: “Dân từ các tỉnh An Giang, Tiền Giang và Long An bám trụ ở đây 15 – 20 ngày rồi, còn người dân Bến Tre mới chỉ tới đây khoảng 4 ngày. Chúng tôi yêu cầu trả lại đất tập đoàn, đất đền bù không thỏa đáng”.

Một người khác nói thêm: “Yêu cầu giải quyết đất tập đoàn của tỉnh Bến Tre bị cán bộ tự động lấy rồi chia chác, bán cho người này người nọ”.

Thanh Tùng, Đồng Nai
Khi nhìn một số lượng lớn bà con tập trung biểu tình, có người vội kết luận:"đấy, VN ta dân chủ tràn trề đấy, cũng cho phép biểu tình đấy!" Nhưng nghĩ lại, biểu tình này đâu phải như những sinh hoạt chính trị thường xuyên như các quốc gia dân chủ. Dân VN chưa quen biểu tình, nay họ bị dồn vào đường cùng nên phải làm vậy. Nhiều người khi về quê cũng đâu còn đất để ở, nên cũng phải ráng bám TP để đòi lại đất. Khả năng để họ đòi lại thành công thì rất thấp, nhưng nguy hiểm mà họ phải đối mặt thì rất nhiều. Nhưng họ vẫn cứ làm. Chẳng lẽ cứ bám TP mà biểu tình mãi? Và cuối cùng họ sẽ nhận được gì từ chính quyền đây?

Quang, Paris
Đây lại là một ví dụ nữa về khẩu hiệu "báo chí là công cụ của Đảng". Thật buồn cho người dân kiện và cho những nhà báo nữa.

MH, Hà Nội
Bài viết này làm tôi cảm thấy rất đau xót cho những con người nghèo khổ ở VN. Chi mà phải qua tận Mỹ để đòi công lý vậy, ngay trên quê hương mình còn không có công lý kia kìa. Tôi van xin các ông các bà ủng hộ chế độ làm ơn dành chút tình thương cho những người này mà nói lên tiếng nói chính nghĩa , đừng vì quyền lợi cá nhân mà nói ra những lời trái lương tâm của mình!

Hanh, TP HCM
Tôi nghĩ nếu BBC loan tin sai, như cách bạn Phi Long VN phản ánh, thì BBC cũng nên đưa tin đính chính cho rõ lập trường trung lập của tờ báo. Nhưng có điều, những gì tôi thấy trong mấy ngày gần đây ở tại nơi bà con tập trung biểu tình, gần nơi tôi ở, lại rất giống những gì mà BBC và nhiều bạn đọc phản ánh. Vậy thế này là thế nào? Có lẽ nào TPHCM rộng lớn quá chăng?

Lắng nghe
Những người biểu tình khiếu kiện chắc hẳn thuộc thành phần giai cấp vô sản. Họ đang làm theo qui luật "có áp bức thì có đấu tranh" của Mác. Họ đang đấu tranh với những người có chức có quyền và có cả rất nhiều tiền (Tư sản đỏ).

Cuộc đấu tranh của họ đang ở giai đọan tự phát. Nếu bây giờ có người lãnh đạo đem "ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê nin nguyên bản" đến cho họ, biến phong trào đấu tranh từ "tự phát đến tự giác", rằng cuộc đấu tranh là không khoan nhượng, kêu gọi "giai cấp vô sản đoàn kết lại", phải "dùng bạo lực cách mạng", v.v...

Nói chung là cứ lấy đúng trong sách vở Mác Lê ra mà ứng dụng (tuyệt đối không cần dùng bất cứ cái gì dính líu tới Mỹ, như "dân chủ, nhân quyền, đa nguyên, đa đảng"), thì họ có phải là những! tên phản động ăn bơ thừa sữa cặn của bọn đế quốc phản bội đất nước không nhỉ!!!

Phi Long, VN
Sao những gì tôi chứng kiến lại khác xa với miêu tả của BBC nhỉ? Tôi thiết nghĩ biểu tình là chuyên rất bình thường và nó cũng được VTV phản ánh trong bản tin thời sự. Nhưng không hiểu sao BBC lại đưa tin theo kiểu giật gân như vậy. Tôi là người chứng kiến cuộc biểu tình ở Sài Gòn, và cũng là người đã từng tham gia biểu tình ở Vạn Phúc - Hà Đông 3 năm về trước . Tôi chưa thấy Công an có hành động "đàn áp người biểu tình" theo cách BBC miêu tả bao giờ cả, có chăng sự xuất hiện của họ chỉ để đảm bảo an ninh như cảnh sát của bao nhiêu nước khác mà thôi.

Hà, Đà Lạt
Tôi còn nhớ trước đây vài tháng, vào dịp bầu cử QH của nước ta, trên diễn đàn BBC xuất hiện nhiều ý kiến rất hăng hái. Họ cho rằng, những người được bầu làm Đại Biểu QH Việt Nam thực sự là những người xứng đáng đại diện cho những cử tri trên cả nước. Họ đả kích những người vốn phê phán bầu cử giả tạo là những người phản động và không yêu nước. Chỉ vài tháng sau bầu cử, những hình ảnh mỹ miều của những ĐB nhân dân đã bị thay đổi nghiêm trọng. Vậy thì những người yêu nước ơi, hãy lên tiếng giùm đồng bào nghèo bị áp bức đi chớ!

Ẩn danh
Đồng bào các tỉnh khốn khổ lên Sàigòn hơn hai tuần nay đòi đất đai bị chiếm đoạt,khiếu nại đến quốc hội để đòi công lý ,vậy mà hơn 600 tờ báo ở VN đang ở đâu , đặc biệt các tờ báo ở Sài gòn mà không đưa tin phóng sự. Vậy mà đảng CSVN nói hay lắm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết còn nói nhà nước, đảng ta sẽ lắng nghe nguyện vọng của nhân dân.

Thế đấy, hàng trăm báo chí trong nước không nghe, không thấy, không đi, không viết, không có lương tâm nghề nghiệp và chắc lo chạy tin kiếm tin riêng hết rồi. Thật vậy, ở VN có hơn 600 tờ báo mà không có một tờ báo độc lập để nói lên sự chân chính của xã hội của đất nước VN đang bước vào thời kỳ hội nhập hướng tầm nhìn ra quốc tế.

Dân đen, TP HCM
Tin vắn báo chí (trong nước): vì mấy ngày qua lực lượng phóng viên của các tờ báo trong nước chúng ta đang bận viết bài về chuyến đi rất thành công của Chủ Tịch Triết sang Hoa Kỳ, nên chúng tôi tạm thời chưa có điều kiện cho đồng bào biết về những tin xung quanh văn phòng Quốc Hội 2 tại TPHCM. Nhìn chung Văn phòng QH đang hoạt động bình thường, tuy có nhiều đơn cần giải quyết hơn trước, nhưng các vị đại biểu nhân dân luôn hoàn thành trách nhiệm, nhằm lập thành tích chào mừng kỳ họp đầu tiên của QH khoá mới sắp diễn ra.

Ho, TP HCM
Mấy người bạn chúng tôi kể rằng, rất nhiều công an đã trà trộn trong đoàn người biểu tình, họ mang máy quay phim, chụp hình để ghi lại hình ảnh những người biểu tình nhằm mục đích nhận diện và lưu giữ vào sổ "bìa đen". Đặc biệt, Công an luôn kèm sát dân chúng di chuyển trên đường khi ngang qua số 194 Hoàng Văn Thụ, làm dân chúng khiếp sợ không thể tiếp tế hay an ủi gì được cho các dân oan.

NKM, Hà Nội
Dân biểu tình là phải rồi. Họ trả dân quá rẻ.Trong khi bán lại cho doanh nghiệp cao gấp mấy lần số tiền họ trả cho dân.Tôi được biết khi doanh nghiêp muốn thuê đất họ ra giá cao gấp mấy lần rồi yêu cầu doanh nghiệp chỉ được bồi thường theo giá quy định còn phần chênh lệnh họ nói còn phải chi cửa này cửa nọ.Vậy là doanh nghiệp muốn có đất để sản xuất thì phải bấm bụng mà làm theo,còn không làm theo cách đó thì vĩnh viễn không bao giờ có đất mà sản xuất.Mà chuyện này làm sao giấu được dân mãi.

Ẩn danh
Không biết mấy ông vừa trúng cử đại biểu Quốc hội VN để làm gì mà không cứu dân mình đang bị oan sai, bức xúc.Thế là cán bộ quan chức trở thành những ông trời con tham nhũng, bóc lột, đàn áp, ăn cướp đất đai dân chúng. Như vậy áp dụng lý thuyết Marx- là phải đấu tranh quyết liệt để đòi công lý. Đây là nỗi đau khổ của những người dân dưới đáy cùng của xã hội bị bóc lột, bị lừa đảo, bị chiếm đoạt, và bị đàn áp thật là to lớn.

Bac, TP HCM
Theo chúng tôi biết, chính quyền không những không tiếp tục giải quyết các khiếu kiện của người dân mà họ tìm mọi cách để làm khó dễ sinh hoạt của đồng bào. Ví dụ như thay vì tạo điều kiện giúp đỡ đồng bào trong hoàn cảnh khó khăn để chờ cứu xét , thì họ lại cố tình "làm tình làm tội" người khiếu kiện nhiều hơn. Từ nửa khuya, ban quản lý trụ sở Quốc Hội đã cho khóa cửa toàn bộ các nhà vệ sinh bên khu nữ, và bên khu nam thì chỉ mở một cái gây sự xáo trộn khi nhiều người phải tranh nhau sử dụng nhà vệ sinh. Và đến sáng thì tất cả nhà vệ sinh đều bị khóa chặt cũng như các cửa vào Quốc Hội cũng được "niêm phong" bằng các "bạc" để bên ngoài không thể nhìn vào bên trong.

Một người dân
Qua những diễn biến gần đây, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng: - Quốc Hội, nơi mang danh là đại diện của cử tri, thực chất không hề lưu tâm đến quyền lợi người dân. Họ chịu sự kiểm soát của Đảng, và tuân lệnh Đảng. Trong những trường hợp này, họ đã sẵn sàng đi ngược lại quyền lợi của cử tri, những người đã đi bỏ phiếu bầu nên họ.

- Những người làm lãnh đạo VN đã hành xử không theo luật pháp. Khiếu kiện của dân không được họ tôn trọng và giải quyết rốt ráo. Hơn thế nữa, họ hành động không một chút cảm thông, không một chút nhân đạo đối với những người dân nghèo bị ảnh hưởng từ chính các chính sách mà họ đã ban hành. Đó phải chăng là một hình ảnh lập lại của "Cải cách ruộng đất" 50 năm về trước?
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/07/070706_landprotest.shtml